Tóm tắt nội dung bài này
Bạn đang đọc bài này chắc hẳn là newbie đang tìm hiểu tập chơi rồi, anh em chắc vẫn tự hỏi không biết chơi thì bắt đầu từ đâu hay 1 bệnh chung của nhưng ai đã lái flycam là tự tin môn này dễ ẹc. Vậy thì hôm nay mình sẽ hướng dẫn chơi FPV nên bắt đầu từ đâu.
Chơi FPV là gì?
FPV viết tắt của cụm từ First Person View. FPV Drone tức là chơi lái máy bay không người lái ở góc nhìn thứ nhất. Ae xem clip nhiều chắc dễ hiểu cái này là mấy bác pilots (người lái) thường đeo một chiếc kính để bay (Kính FPV). Máy bay sẽ có camera và truyền hình ảnh thực tế về kính FPV với độ trễ cực thấp giúp cho việc điều khiển cảm giác như thể mình đang bay trực tiếp – cảm giác hóa thân làm chim chóc luôn. Thế nên nếu không có vấn đề tiền đình hay sợ độ cao thì môn này sẽ mang lại trải nghiệm cực kì thú vị và dễ nghiện.
Rủi ro khi chơi FPV
Thú vị là vậy nhưng cũng đi kèm với rất nhiều rủi ro. Chơi FPV không giống như anh em lái máy bay trong game, ở ngoài đời không có reset chơi lại game. Nếu lái mà mắc sai lầm 1 li là đi ngay nhiều tiền lắm. Mình sẽ liệt kê những rủi ro cho ae thấy:
Nếu như flycam điều khiển khó 1 thì điều khiển drone fpv khó gấp 100, 1000 lần (ko nói quá). Nếu đang bay mất kiểm soát có thể khiến cho drone fpv (gọi là quad) rơi, rụng bất cứ lúc nào ở đâu và hãy tưởng tượng nó rơi vào ai đó đang đi đường…..thế nên đừng bay ở chỗ có người vì nhiều khi bạn bay rất giỏi nhưng việc mất kiểm soát nó còn đến từ những lý do khách quan như: Nhiễu sóng, khuất sóng, hay hên xui tự dưng con quad dở chứng rơi cụ nó luôn. Haizzz nghĩ mà sợ dần trước khi chơi vì nhẹ thì hỏng quad sửa đôi triệu cho đến đền tiền người khác đi viện, hoặc đen hơn là ngộ sát đi tù (ko muốn nghĩ tới tình huống này).
Hiện nay có những người chơi môn này ở VN lái thuộc vào hàng đỉnh, giỏi với các kĩ năng nhào lộn có thể sánh ngang các bạn nước ngoài. Nhưng hiện tại ở VN anh em chủ yếu vẫn chơi vì sở thích đam mê, tranh thủ bay lúc rảnh rỗi chứ ở nước ngoài họ còn phát triển nó thành một môn…chắc tạm gọi là thể thao đi – đó là Drone racing: Tức là đua quad.
Để chơi môn này bạn không nên chơi một mình, nên có bạn bè, có cộng đồng vì đây sẽ là nơi để giao lưu với các pilots khác + học hỏi kinh nghiệm từ họ. Tham gia các cộng đồng trên Facebook, ae search FPV là ra mấy group ấy. Kiếm người bay cùng, chăm đi giao lưu bay cùng các pro trên group là cách để học bay nhanh nhất.
Tổng quan về FPV Drone
Hãy cùng mình trang bị những kiến thức cơ bản sau để chơi FPV đỡ bỡ ngỡ.
Drone là gì?
Có cần phải giải thích thuật ngữ này không khi mà ngày nay đã quá phổ biến rồi nhỉ? Nó chính là máy bay không người lái, mấy cái flycam mà bạn từng thấy trên TV, youtube hay thằng mả mẹ nào đó bay vo ve quanh nhà bạn lúc đang ngủ trưa. Hiểu đơn giản là nó là cái máy bay điều khiển từ xa từ một chiếc điều khiển có thể thu được hình ảnh từ camera gắn trên máy bay phát trực tiếp về. Hiện nay các drone xử dụng trong mục đích quay phim, chụp ảnh là chính và bởi tính cơ động nhỏ gọn nên dân du lịch giờ có điều kiện là mua flycam về như một phụ kiện không thể thiếu để đi chơi. Tuy nhiên drone cũng tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro về an ninh quốc phòng nên hiện tại ở VN hầu hết muốn bay thì phải có giấy phép từ quân đội không thì bay trộm nhưng bị bắt thì sẽ bị tịch thu drone.
Quad là gì?
Quad là gọi chung cho các máy bay có 4 động cơ, nó là viết tắt của quadcopter, thằng nào chỉ bay với 3 động cơ thì gọi là tripcopter và chung lại bên nước ngoài còn được gọi là multicopter hay multirotor. Trong bài này thì mình sẽ nói chủ yếu về quad và các loại quad phổ biến ở Việt Nam. Quad FPV khác với các con flycam du lịch thường thấy là bọn này bay rất nhanh và cục súc nhé ae.
Các loại quad phổ biến
Mình sẽ liệt kê 3 loại phổ biến nhất mà anh em ở VN hiện đang chơi theo thứ tự loại anh em nên chơi nhé:
– Đầu tiên là Tiny/Whoops: Đây là dòng quad có thể nói là tý hon nằm vừa trong lòng bàn tay. Nó có tác dụng cho anh em tập bay, làm quen các kĩ năng bay. Với tính sát thương thấp, luồn lách trong nhà cao, tỉ lệ rơi va đập cao nhưng lại khó hỏng nên rất nhiều anh em chơi tiny. Dòng này mỗi cái là không gắn được gopro lên quay phim thôi, cam của nó thì xấu hoắc à. Dòng này để vui chơi giải trí tập bay là chính, mới chơi FPV thì khuyên anh em nên mua tiny về tập bay và thành thạo trước khi nghĩ tới các con to khác.
– 3inch: Là tên gọi của dòng quad có kích thước cánh quạt là 3inch. Với kích thước to hơn tiny, động cơ khỏe hơn tiny, tầm hoạt động của 3inch xa hơn và đây là chú quad hợp lý cho anh em trải nghiệm sau khi đã quen với tiny. Tuy nhiên 3inch vẫn chưa quá khỏe, cục súc để có thể bay freestyle (nhào lộn các kiểu) mà nó chủ yếu được dùng để bay cinematic (nhẹ nhàng mềm mại quay phim). Đặc biệt là 3inch nên được dùng trong các khu vực hẹp, có nguy cơ tai nạn bởi nó thường thiết kế có vòng bảo vệ xung quanh các cặp cánh nên sẽ giảm được phần nào hậu quả nếu có xảy ra tai nạn.
Loại này sử dụng pin 2-4S lipos 300-800mah, 13xx-15xxmah. Sẽ có bài giải thích về các loại pin sau.
– 5inch: Tương tự thì đây là quad cho loại cách có kích thước lên tới 5inch. Loại này thì không có vòng bảo vệ cánh, động cơ khỏe hơn rất phù hợp để bay xa hơn, nhào lộn làm xiếc trên trời. Vì nó khỏe nên cũng là loại nguy hiểm hơn, nếu bị con này chém cánh quạt trúng tay thì có thể bay được cả ngón tay. Nói vậy để ae dễ hình dung mức độ nguy hiểm của con này nên TUYỆT ĐỐI chỉ chơi 5inch khi đã bay thành thạo từ tiny >> 3 inch. Đừng có nghịch ngu thử luôn rồi lại ôm họa vào mình.
Ngoài ra còn các size quad khác nhưng ở VN không phổ biến: 2.5inch; 7inch hay ở nước ngoài có cả 12inch.
Loại này sử dụng pin 4-6S lipos 1000mah-1800mah, 22xx-25xx; sử dụng motors công suất: 1600-2800kv.
Các phong cách bay FPV Quad
Có 4 loại bay phổ biến hiện nay trên thế giới:
- Freestyle: Đây là loại bay mà đúng như tên gọi của nó, thích bay kiểu đéo gì thì bay, muốn nhạo lộn hay làm gì thì làm – quad không bị giới hạn. Đây là loại mà ae chơi 5inch chơi phổ biến nhất và hay khoe các thành quả nhào lộn, trick chủng trên trời.
- Racing: Đua quad với các chướng ngại vật. Loại này vì nhiều lý do mà ở VN hiện tại hình như chưa ai đua.
- Long range: Thi thoảng chán chán lười có thể nằm nhà lái quad bay đi xa cỡ 5~10km ngắm cảnh chơi thì người ta gọi là long range. Loại này cũng rất rủi ro khi mà bay xa dễ bị nhiễu sóng => Mất sóng => Rơi/ mất quad.
- Cinemaphotography: Như đã nói ở mục 3inch, đây là thể loại bay nhẹ nhàng tình cảm, luồn lách các chỗ hẹp quay được các thước phim nhìn mượt mà chứ không kiểu speed như racing hay freestyle.
Chơi FPV cần bao tiền?
Hồi mới nhập môn mình ko lăn tăn vì nghĩ môn này cũng rẻ, đầu tư chục củ là được 1 bộ chơi tẹt. Thế mà được 1 tháng vập vào đã gần 30 củ bay đi và còn tiếp tục tăng nữa.
Vì sao? Đầu tư gì mà đắt tiền á?
Vì combo dưới 10 củ là combo đủ để trải nghiệm thôi, nếu đã yêu thích rồi thì không thể bay lâu dài được vì hạn chế của thiết bị. Mình nói đơn giản như sau:
Lúc mới chơi mình tính mua: Tiny beta65 tầm 2.5m cả pin sạc; kính ev800d (tầm hơn củ); tay điều khiển QX7 (gọi chung là TX) – TX này có thể chơi lâu dài nên đầu tư xíu với giá khoảng 2.5m. Đấy sơ sơ là khoảng 6~7m thôi, thêm phụ kiện linh tinh tầm 8m.
NHƯNG: Xác định chơi lâu dài mà chơi kính ev800d thì không ổn, lúc đó mình tìm mua ko có hàng do hiếm nên quyết định mua luôn loại kính xịn để chơi lâu dài và vập luôn con kính Fatshark HDO2 12 củ. Chưa hết, mua kính xong không phải bay được ngay mà lại phải đầu tư 1 con module để thu hình từ máy bay truyền vào kính, loại module ngon ae đang chơi là rapidfire có giá khoảng 3.5m, rồi 2 cái angten để gắn lên kính thu sóng rẻ thì 1 củ 1 bộ mà ngon thì lại 2~3.5 củ nữa.
Tiếp theo đã đầu tư kính module xịn rồi mà vẫn bay tiny thì sao được nên quen cái mình build 1 em 3inch để tập bay tiếp theo đúng quy trình. Giá 1 em này + 2 viên pin 4S khoảng 6m.
Để ổn định sóng sánh khi bay sẽ cần thêm 1 cái module nữa gắn vào TX, nổi tiếng nhất là Module của TBS mà anh em hay dùng loại TBS Lite giá khoảng 3.4m; lại chưa xong đâu, lại phải mua tiếp 1 cái RX gắn vào quad để dùng được TBS Lite tầm nửa củ nữa, muốn ngon hẳn lại mua 1 cái angten nữa gắn vào TX gần 750k nữa :))) Đấy nghe lắm đồ lặt vặt, phúc tạp chưa? Anh em thử cộng vào xem 30 củ chưa nào :))))
Chưa tính các chi phí sửa chữa nếu hỏng, thay thế linh kiện, build thêm 5inch trong tương lai.
Thế nên nếu vập vào môn này thì hãy xác định tài chỉnh rủng rỉnh hãy chơi bạn nhé, không lại khổ.
Những ảo tưởng mà người chơi flycam gặp phải khi sang FPV
Cái này có vẻ như là bệnh chung: “Mình lái flycam chán rồi, kinh nghiệm bay flycam 5,10 năm rồi thì môn này chắc làm quen đôi tuần là nuột”. Các bác tin mình đi, mình cũng từng tự tin như vậy và thậm chí còn định chơi hẳn 5inch luôn, nhưng anh Tạ Duy Thái đã cho ngay 1 cái tát cho tỉnh người là bắt buộc phải chơi 3inch trước. Và trong thời gian chờ build quad 3inch mình bay thử tiny mới thấy là may mắn khi nghe lời anh Thái.
Vì sao? Vì bay FPV khó hơn bay flycam rất rất rất rất nhiều. Hiểu đơn giản là flycam có hỗ trợ bay mạnh, còn FPV thì giống như lái máy bay thực sự đòi hỏi phản xạ và thao tác chuẩn xác cực cao. Nếu như flycam thả tay ra là máy bay đứng im thì quad sẽ là rụng luôn hoặc là bay mất luôn. Kể cả khi bạn đã quen tháo tác khi lái giả lập thì cũng vẫn rất nguy hiểm: Chỉ 1 cái gạt tay nhầm thôi là quad sẽ bay đi mất hoặc rụng luôn – đừng tự tin là mình sẽ lái chuẩn, tin mình đi chơi môn này KHÔNG ĐƯỢC PHÉP đốt cháy giai đoạn.
Tự build quad theo linh kiện hay mua quad sẵn từ các hàng?
Giống như build 1 chú PC để dùng, hàng build sẵn bao giờ cũng được tối ưu để tiết kiệm chi phí cho ra giá rẻ và sẽ không bao giờ ngon thế nên việc tự chọn linh kiện bao giờ cũng sẽ cho hiệu năng ngon hơn, đôi khi có thể còn rẻ hơn nữa.
Nhưng chắc anh em sẽ hỏi là chẳng hiểu gì về các loại linh kiện, điện đóm, hàn hủng thì build kiểu gì? Như cách mình làm là nhờ anh Tạ Duy Thái bên shop Thái Tuấn hobby tư vấn cấu hình và build cho. Anh ấy cũng chuyên bán đồ linh kiện mấy môn này và tư vấn, giúp đỡ có tâm lắm. Đấy là ở Hà Nội, còn các khu vực khác em ko rõ. Trong Sài Gòn nghe bảo có FPV Việt Nam bên anh Hoàng Vũ.
Nếu hiểu biết về điện, hàn thì anh em có thể tự mua về nhà tự build chính mình cho cảm giác thích.
Trải nghiệm bay bằng phần mềm giả lập tiết kiệm chi phí
Nếu chưa có điều kiện mua quad bạn vẫn có thể trải nghiệm thử môn này bằng cách bay giả lập trên máy tính. Trong cộng đồng mọi người gọi là bay Sim (Simulators). Để bay sim thì bạn chỉ cần đầu tư vào 1 chiếc TX và mua phần mềm bay giả lập (trên mạng có bản crack). Mình bay bằng Liftoff mua trên Steam giá khoảng 188k. Bạn nên mua để có trải nghiệm tốt nhất, nhiều map, có thể tùy biến tự build nhiều loại quad trong giả lập.
Bay sim khá giống thực tế phải đến 90% nên thực hành nhuần nhuyễn điêu luyện ở đâu rồi mua quad sẽ giúp bạn tránh những rắc rối, tai nạn khi bay quad thực tế. Lời khuyên của mình là bay sim sẽ tiết kiệm cho bạn rất nhiều tiền sửa chữa quad đấy nên cố gắng nhé.
Các bộ phận chính, cấu hình của một chú Quad
Dưới đây là các bộ phận cấu tạo nên 1 chú Quad:
- Frame: Chính là bộ khung của quad để định hình hình dáng, chứa các bộ phận của quad. Hiểu đơn giản nó như là case của 1 chiếc PC vậy
- 4 x Motors: Quad mà, không thể thiếu 4 motor được. Tùy mục đích bay, loại quad mà chọn công suất khác nhau. Để bay được thì trong 4 motor sẽ có 2 motor quay theo chiều kim đồng hồ và 2 motor quay ngược chiều kim đồng hồ, nguyên lý vì sao thì ko rõ mình chỉ biết vậy thôi. Cái này chắc ai rành vật lý hiểu. => Đọc thêm Hiểu về Motor và cách chọn Motor phù hợp
- 4 x Props (Propellers): Cánh quạt. Cánh quạt của quad có 4 chiếc trong đó phân làm 2 loại: CW (clockwise – chiều kim đồng hồ) và CCW (counter-clockwise: ngược chiều kim đồng hồ). Loại cánh nào sẽ gắn với motor tương ứng, gắn sai máy bay sẽ không bay lên được. Phải gắn đúng thì khi motor chạy khí động học mới sinh ra đúng cách tạo động lực đẩy máy bay bay.
Đọc thêm bài về Nguyên lý hoạt động của cánh và cách chọn cánh cho quad - 4 x ESC– Electronics Speed Controller: hiểu đơn giản mỗi motor sẽ cần có 1 ESC để kiểm soát tốc độ của motor, ESC nhận tín hiệu điều khiển từ FC để điều chỉnh tốc độ của motor theo ý muốn. Hiện nay thì có ESC 4in1 giúp cho việc tối giản dây nối và chất lượng tốt hơn.
- FC – Flight Controller: Chính là bộ não của quad, nó là một bảng mạch có tác dụng phát hiện chuyển động của quad đồng thời sử dụng dữ liệu thu được này để điều chỉnh motor giúp cho việc điều khiển theo đúng ý người lái.
- LiPo Battery: Nguồn cấp năng lượng cho máy bay, cấp điện để quad hoạt động. Tùy từng quad sẽ dùng pin khác nhau. Phổ biến hiện nay có các loại pin 1S, 2S, 4S, 6S được sử dụng nhiều nhất. Pin sẽ quan tâm đến thông số mah (dung lượng pin) và C. C hiểu đơn giản là kiểu dòng xả, dòng xả cao thì làm pin nhanh hết hơn nhưng lại giúp cho quad khỏe hơn. Hiện nay có nhiều ae chơi pin Lion nhưng LiPo vẫn phổ biến hơn. Sẽ có 1 bài hướng dẫn dùng Pin đúng cách, tìm hiểu về Pin quad cho ae sau.
=>> Đọc bài: Kiến thức về Pin LiPo và cách sử dụng an toàn, hiệu quả. - FPV Camera: Con mắt của quad giúp thu lại hình ảnh thực tế truyền về kính để điều khiển,
- Video Transmitter (VTX): Bộ phận giúp truyền tín hiệu hình ảnh thu được từ camera về kính với độ trễ thấp.
- FPV antennas: Truyền sóng về tx để điều khiển được quad từ TX.
- RX – Receiver: Đây là bộ phận sẽ nhận tín hiệu điều khiển bằng sóng radio từ TX và chuyển lại cho FC thực thi lệnh. RX và TX phải dùng chung hãng mới sử dụng được. VD bạn đang dùng TX QX7 xài sóng frSky thì phải dùng RX xài sóng FrSky.
- FPV Goggles: Kính FPV – dùng để nhận tín hiệu hình ảnh truyền về từ quad. Trên kính sẽ cần Module và angten mới có thể thu sóng nhé. Angten thường có 2 chiếc: 1 chiếc để bắt tín hiệu xa, một chiếc bắt tín hiệu gần.
Analog và Digital là gì?
Có 2 trường phái chơi FPV là analog và digital hẳn anh em đã nghe nói đến. Đây chính là 2 loại sóng, digital nay được biết đến với hệ thống của DJI – hãng drone nổi tiếng. Ngày xưa khi DJI chưa thâm nhập vào FPV thì chỉ có analog, sóng analog giống như kiểu TV ngày xửa ngày xưa thời dùng angten cột để bắt sóng ấy anh em, sóng yếu thì nó nhiễu nhiễu như vậy luôn à – nó sẽ cho mình biết khi bay tới khu vực sóng yếu thì hình ảnh sẽ nhiễu để biết đường xử lý quay về.
Còn của DJI thì hình ảnh nét căng như video chúng ta hay xem bình thường. Trước kia thì anh em ngán DJI bởi nhiều khi sóng nhiễu là hình ảnh của DJI bị treo dẫn đến việc mất quad luôn, nhưng gần đây DJI đã update fix vụ đó rồi nên anh em giờ đang có xu hướng chuyển dịch sang DJI. Tất nhiên là mỗi loại sẽ có ưu nhược điểm cái hay riêng. Cá nhân mình cũng đã chuyển qua DJI và thấy rất ưng ý. Ngoài ưu điểm hình ảnh thì ưu điểm khác là tính ra chi phí để mua đồ chơi DJI rẻ hơn analog nhưng nhược điểm là kính dji to vãi, và nếu hỏng linh kiện thì thay thế sẽ rất đắt (lúc này thì lại thành đắt hơn hahaa).
Ngoài ra chơi DJI hiện chưa có lựa chọn điều khiển tiny đâu ae nha.
Nhìn chung là vậy. Hy vọng những kiến thức cơ bản này sẽ giúp anh em hiểu về môn FPV trước khi chơi môn này nhé. Hẹn gặp lại anh em trong các bài sau.
Bài viết mình có sử dụng và tham khảo từ blog Oscarliang.com
Facebook Đức: https://www.facebook.com/ducnh18
Instagram: @ducnh91